13/11/2016 23:34 | xunghe
Leo lên cao mọi thứ cứ mờ dần, mờ dần và khi điểm trường lấp ló trong màn sương cũng là lúc chúng tôi biết đã đặt chân lên điểm trường Phà Khốm- nơi có gần 60 học sinh con em dân tộc Mông đang theo học.
 
[IMG]
Điểm trường Phà Khốm.
 
Cheo leo trên đỉnh “Rừng măng đắng”
Bản Phà Khốm (Phà Khốm trong tiếng Thái nghĩa là Rừng măng đắng) nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Điểm trường Phà Khốm thuộc xã Tri Lễ (Quế Phong – Nghệ An), nằm cách thành TP Vinh hơn 250km. Từ trục đường chính đi vào điểm trường Phà Khốm chừng 3km đường đi lại rất vất vả. Để lên Phà Khốm phải vượt qua con dốc lớn, dài và độ nghiêng khoảng 45 độ. Nếu vào mùa mưa thì cách duy nhất lên Phà Khốm là đi bộ. Đỡ hơn chút ít khi gặp trời nắng thì còn đi xe máy lên được đến nơi nhưng con đường dẫn vào bản cũng quanh co khúc khuỷu và rất nguy hiểm. Dù mới đầu mùa thu, nhưng bản Phà Khốm đã bắt đầu chìm trong màn sương mù dày đặc. Xa xa là ngôi trường cheo leo trên mỏm đồi cao hiện ra thật mờ ảo. “Ở đây các chú đi vào mùa mưa, rét dịp tháng 12 hằng năm thì chỉ có nhìn thấy sương mù bao phủ thôi”, thầy giáo Lương Trung Thành chia sẻ. Ngôi trường cũ với 2 dãy nhà 6 phòng (5 phòng học, 1 phòng ở của giáo viên) được làm bằng ván gỗ tạp nay đã xuống cấp. 
 
Mặc dù mỗi năm chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh đều góp công để sửa chữa nhưng ngôi trường vẫn cứ dần rệu rạo và dường như không còn đủ sức để che chở cho thầy trò nơi đây mỗi khi mưa gió. Lên điểm trường này, trong mỗi lớp học, các em học sinh vẫn chăm chú vào từng trang vở say sưa với bài học của mình. “Ở nơi đây chuyện các em bỏ học là điều bình thường, đặc biệt khi vào vụ măng hay mùa rẫy. Các em phải vào rẫy, hay lên rừng hái măng để phụ giúp gia đình. Cuộc sống khốn khó khiến cho con chữ ở mảnh đất Pà Khốm như bị đứt đoạn”, cô giáo Nguyễn Thị Tám- người có 3 năm cắm bản (quê tại xã Hưng Hòa, TP Vinh) chia sẻ. Là người gắn bó với các em tại điểm trường Phà Khốm, vùng đất “sương mờ che phủ” trong những năm qua, cô giáo Tám thấu hiểu các em tường tận từng vấn đề, nhất là hoàn cảnh của các em vùng cao. 
 
Ngoài chuyên môn giảng dạy, các thầy cô còn phải phân công nhau đi đến từng hộ gia đình vận động các em học sinh đi học lại. Có những thời điểm lán trại của gia đình các em ở sâu trong rừng thầy cô phải lội bộ cả ngày đường. “Đi vào nương, rẫy vận động các em đến học lại là chuyện cơm bữa của các giáo viên cắm bản. Không chỉ muốn các em có cái chữ việc các em vắng học những người gieo chữ như chúng tôi cũng rất nhớ, phòng học nhỏ, học sinh ít nên khi mỗi chỗ ngồi trống vắng, chúng tôi cứ cảm thấy thiếu cái gì đó”, cô Tám tâm sự. 
[IMG]
Đường lên đỉnh Phà Khốm.
Khó khăn chồng chất
Khó khăn nhất là những lúc trời ở đây đổ mưa thì sương mù dày đặc, những lúc như thế trong phòng học không nơi nào khỏi ướt. Các em học sinh cũng không thể mở sách ra để học bài vì sợ sách vở bị ướt. Những lớp học cũ kỹ, không cửa chắn, mái che bị dột nát, xuống cấp nghiêm trọng không còn đủ sức để che cho thầy trò khỏi ướt trong những ngày như thế. Căn phòng ở của các thầy giáo cắm bản, được làm liền kề với một dãy phòng học, mới đây nó được mặc thêm một “tấm áo mới” để che chắn khi trời mưa.
 
Nhưng tấm áo lại không đủ để che cả căn phòng nên nó được ưu tiên mặc lên trên nơi các thầy cô để sách vở và tài liệu phục vụ công tác dạy học, vì đó là tài sản quý giá nhất đối với các thầy cô nơi đây. Đều đặn mỗi tuần các thầy cô trở ra phía trung tâm xã mua đủ các thực phẩm dự trữ trong một tuần rồi lại trở vào điểm trường để tiếp tục công việc của mình. Một điểm khó khăn nữa là việc thiếu nước sinh hoạt cũng ảnh hưởng không ít đến cuộc sống của thầy và trò nơi đây. Đến với Phà Khốm mới thấu hiểu được các thầy cô giáo, các em học sinh hằng ngày đang cố gắng bám trường, bám lớp để gieo vào đầu các em những con chữ là cả một gian truân. 
 
Tuy nhiên, “kinh hoàng” nhất của các giáo viên được giao phụ trách “nội trợ” thì chính là nấu ăn gặp mưa rừng. Ở đây, trên đỉnh mù sương này, những cơn mưa rừng bất chợt đổ về nhiều như cơm bữa, đang nấu ăn giữ căn bếp “nhìn thấu” trời xanh mưa đổ xuống cũng phải nấu cho xong bữa. Cũng phải nói thêm rằng, tất cả các phòng học tại điểm trường Phà Khốm đều được dựng bằng các tấm gỗ mỏng, lợp mái cũng bằng gỗ mỏng lấy từ rừng, trải qua nhiều năm những tấm gỗ mỏng này cong vênh, hư mục dẫn đến dột, thủng khắp nơi, do điều kiện khó khăn nên việc sửa chữa rất ít. Vậy nên, mỗi lần trời nắng, ngồi trong lớp các em thấy ánh nắng rọi xuống in hằn trên cuốn vở. Nhưng trời mưa thì đó lại là một bi kịch và căn bếp của giáo viên nấu ăn cũng không nằm “thảm cảnh” đó. Vì thế, mới có câu chuyện “nấu ăn giữa trời mưa” của các giáo viên nơi rẻo cao này.
 
Rồi đến khó khăn nữa là ngôn ngữ, cô trò mà lại không hiểu tiếng của nhau. Vậy nên, tại điểm trường luôn có một thầy giáo người Mông vừa dạy học vừa đảm nhận “thông dịch viên” cho cô và trò. Cô giáo Nguyễn Thi Lưu tâm sự: “Giờ thì đỡ hơn, chứ khi mới lên điểm trường mà có học sinh người Mông, ngại nhất chính là ngôn ngữ, cô dạy trò mà không hiểu ngôn ngữ của nhau thì rất vất vả. Thậm chí, cả tháng trời mới dạy nổi một chữ cho các em”. 
 
Sự vất vả của các giáo viên nơi đây không thể nói nên lời, những người Mông trên đây cũng rất hiểu điều đó. Bác Thò Chống Mùa- bản Phà Khốm chia sẻ: “Bản ta quý các cô giáo thầy giáo lắm, nhưng không có gì để cho cả. Thấy các cô vất vả dạy bọn trẻ dưới căn nhà rách nát, người trong bản cũng chỉ giúp được cây gỗ, vào rừng hái cọ về lợp cho thôi”. 
[IMG]
Học sinh điểm trường Phà Khốm, tìm kiếm sự học trên đỉnh núi cheo leo với độ cao 1.000m so với mực nước biển.
Ông Vi Văn Cường – Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết: “Điểm trường Phà Khốm cách trung tâm xã hơn 20km. Nơi đây chưa có điện, chưa có đường, đặc biệt là cơ sở vật chất nhà trường còn quá tạm bợ, hằng năm chúng tôi luôn vận động phụ huynh, thầy cô cùng các cấp chính quyền để tu sửa, làm lớp tạm mỗi khi năm học mới đến để các em có chỗ học chu đáo hơn. Nhưng khó khăn vẫn cứ hoàn khó khăn, các điểm trường như Phà Khốm ở Tri Lễ rất nhiều, xã có 8 bản người Mông, điều kiện hết sức khó khăn. Phà Khốm thuộc diện điểm trường xa nhất, vất vả nhất trên địa bàn xã”.
 
Có lên Phà Khốm mới thấu hiểu những vất vả, khó khăn mà các giáo viên cắm bản. Việc dạy con chữ cho các em trên vùng cao này đã lấy đi tuổi thanh xuân của nhiều cô giáo xuân thì. Giáo viên cắm bản như những người mẹ ngoài dạy chữ, họ còn chăm sóc các em từ ăn mặc sao cho hợp vệ sinh, vận động các em đến trường, thậm chí phải cõng, bế bồng các em vượt suối đến trường theo đuổi giấc mơ con chữ.  
Theo ĐĐK

Bài viết cùng chuyên mục